Mùa hè, thời tiết nóng bức, cơ thể trẻ sẽ dễ mệt mỏi nên bé biếng ăn hơn, sức khỏe có thể giảm sút, nhiều nguy cơ bệnh tật đang rình rập. Vì vậy, một chế độ dinh dưỡng hơp lý cho bé trong mùa hè là điều mà cha mẹ và người chăm sóc cần quan tâm.
Cho bé ăn gì?
Mùa nóng, trẻ thường chán ăn nên sẽ không đảm bảo sức khỏe nếu không duy trì đầy đủ dinh dưỡng. Vì vậy, cần cho trẻ ăn đủ các nhóm thực phẩm cần thiết gồm tinh bột (cơm, bún, phở, mì...), chất đạm (thịt lợn, thịt bò, cá, thủy hải sản, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành như đậu phụ, sữa đậu nành, chất béo (dầu, mỡ, bơ...), vitamin và khoáng chất (rau, trái cây...) trong các bữa ăn...
Do thời tiết mùa hè oi bức nên dinh dưỡng của bé cần mát để giúp giải nhiệt cho cơ thể. Cho bé ăn nhiều hơn ngày thường nhóm thực phẩm có tính giải nhiệt như: rau dền, rau muống, bí xanh... cung cấp nhiều vitamin cho cơ thể, bổ sung chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa của bé. Bữa ăn của bé cần chia nhỏ và có nhiều canh rau, ít dầu mỡ... Thức ăn của bé cần tránh để ngoài nhiệt độ phòng hơn 2 giờ.
Bé cần uống ít nhất 500ml sữa/ngày, có thể uống sữa tươi, sữa bột nguyên kem, sữa dinh dưỡng các loại. Ngoài ra, cần cho bé ăn bổ sung bằng những bữa ăn phụ bổ mát như: chè hạt sen, chè đậu các loại, sữa chua, bánh flan... Tăng cường vitamin, đặc biệt là các vitamin B1, B2, B6, C và PP vì thời tiết nóng bức, cơ thể tiết mồ hôi nhiều, các bé vận động nhiều gây thất thoát nhiệt lượng và chất điện giải qua mồ hôi, bài tiết. Các loại trái cây tươi ngon như dứa, chuối, cam, dưa hấu, dâu tây, bơ, đu đủ... là nguồn cung cấp vitamin, dưỡng chất và chất xơ cho trẻ giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch, phòng chống được các bệnh mùa hè.
Bổ sung nước đầy đủ và khoa học
Bổ sung nước là điều hết sức cần thiết để phòng thiếu nước do mất qua mồ hôi, bài tiết, thiếu nước sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ.Nhu cầu nước ở trẻ khác nhau theo độ tuổi, cân nặng, trẻ nhỏ < 10kg cần khoảng 100ml/kg cân nặng; trẻ hơn 10kg lượng nước cần = 1.000ml + 50 (n-10) ml (n = số kg cân nặng); trẻ trên 10 tuổi, lượng nước uống bằng người lớn, khoảng 2lít/ngày. Vì vậy, cần chú ý cho trẻ uống nước thường xuyên, nên uống nước đun sôi để nguội, nước tinh khiết, sinh tố, nước ép trái cây, nước đậu xanh. Không nên cho trẻ sử dụng những thực phẩm và đồ uống có tính kích thích như trà, cà phê...
Khi trời nóng nực, bé thường nổi nhiều rôm sảy. Vì vậy, cần cho bé uống thêm các loại nước mát và bổ dưỡng để cơ thể của bé tăng sức đề kháng. Không cho bé ăn nhiều kem hoặc kem còn đông cứng vì sẽ làm niêm mạc miệng bé bị tổn thương, bé dễ mắc bệnh đường hô hấp.
Chế biến thức ăn cũng rất quan trọng
Cách chế biến thức ăn rất quan trọng, phải chế biến sao cho trẻ dễ ăn, dễ tiêu. Các thức ăn nên luộc, hấp, nấu canh... hơn là xào, rán, nướng vì dễ gây cảm giác ngán, khó ăn và gây khát nước cho các bé. Cần chú ý vệ sinh an toàn thực phẩm, do vi khuẩn dễ sinh sôi nảy nở trong môi trường nóng ẩm cũng như nước đá không tinh khiết nên bé dễ mắc bệnh tiêu chảy nếu ăn thức ăn ôi, thiu hoặc thực phẩm, nước uống không chế biến kỹ. Vì vậy, thức ăn cho bé phải được tươi ngon, ăn ngay sau khi nấu, không lưu trữ thức ăn của trẻ quá lâu. Không nên cho trẻ ăn quá mặn vì sẽ gây gánh nặng lên thận; không nên chế biến thức ăn có nhiều loại gia vị cay nóng như ớt, tiêu, gừng... không tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ.
Tập cho trẻ thói quen ăn đúng giờ, đúng bữa
Đây là một nguyên tắc quan trọng và cần thiết để tránh tình trạng bé biếng ăn, chán ăn dẫn đến sụt cân. Vì thế, mẹ hãy cố gắng tập cho trẻ ăn đúng theo thời gian biểu, tuyệt đối không bỏ các bữa chính, đặc biệt là bữa sáng. Trong ngày, ngoài 3 bữa ăn chính, mẹ có thể cho bé ăn thêm 2 - 3 bữa phụ vào những khung giờ hợp lý, xen kẽ giữa các bữa chính với các món như hoa quả, sữa chua, bánh mì... Gần đến giờ ăn, không nên cho bé uống nước trái cây cũng như đồ ăn vặt bởi điều này khiến trẻ gặp phải tình trạng ngang dạ dẫn đến biếng ăn, bỏ ăn và cảm thấy không còn ngon miệng. Khi đến bữa ăn, nếu bé ăn ít và không ăn hết khẩu phần ăn dinh dưỡng thì mẹ cũng không nên cố gắng thúc ép bé ăn, điều này chỉ khiến cho bé càng “sợ” đồ ăn hơn.
Cho trẻ vận động thường xuyên
Việc cho trẻ vận động, tập thể dục thể thao thường xuyên không chỉ giúp trẻ có một cơ thể dẻo dai và sức khỏe tốt hơn mà còn là cách khắc phục trẻ biếng ăn hiệu quả. Bởi việc vận động nhiều sẽ giúp bé tiêu hao nhiều năng lượng, có cảm giác thèm ăn, ăn nhiều hơn và hấp thu dưỡng chất một cách hiệu quả. Không nên giữ bé trong phòng lạnh suốt ngày mà khi trời râm mát, nên cho bé ra ngoài trời vận động, chơi cùng các bạn như đạp xe, chơi bóng..., như vậy sẽ giúp bé sẽ thích nghi tốt với môi trường bên ngoài, khỏe mạnh và phát triển chiều cao, cân nặng đều đặn.
Cần chú ý gì trong ăn uống và nghỉ ngơi của trẻ?
Mùa hè, thời tiết thuận lợi cho nhiều bệnh lây nhiễm dễ phát sinh như tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm, cúm, sởi, thủy đậu... Vì vậy, các mẹ cần hướng dẫn trẻ có thói quen phòng bệnh:
Vệ sinh bàn tay của bé thường xuyên, vệ sinh bàn tay người lớn khi chăm sóc, chế biến thức ăn cho trẻ. Khi đưa trẻ đi chơi xa, nên chuẩn bị thức ăn đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh hoặc chọn lựa những địa điểm cho trẻ ăn uống hợp vệ sinh, không nên cho trẻ ăn thức ăn đường phố không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh.
Nguồn: Sức khỏe đời sống